Giới thiệu
Mua và bán là hai công cụ cơ bản mà thị trường đã cho chúng ta, vậy tại sao chúng ta lại chỉ tập trung vào một trong số chúng? Việc chỉ có mua hiển nhiên là tùy chọn đơn giản hơn — nó dễ hiểu và dễ quản lý hơn, mang lại hiệu quả trong dài hạn. Nó phù hợp cho những người muốn một danh mục đầu tư thụ động, không căng thẳng.
Nếu bạn là một trong những người như thế, bạn có lẽ đang bỏ lỡ các cơ hội tiềm năng khác của mình.
Việc tích hợp bán khống (hưởng lợi từ việc một tài sản giảm giá) vào chiến lược có thể giúp bạn giữ lại lợi nhuận mà bạn đã kiếm được trong một thị trường tăng điểm, khi mà thị trường giảm điểm sẽ xảy ra. Nó cũng có thể giúp giảm rủi ro tổng thể của bạn, và thậm chí còn có thể tạo lợi nhuận dương khi thị trường giảm sâu hơn nữa!
Các chu kỳ chính của thị trường
Thị trường di chuyển theo chu kỳ, lên và xuống, lặp đi lặp lại — và tuy xu hướng chính của lịch sử là tăng, các giai đoạn giảm điểm cũng thường xảy ra định kỳ và đôi khi rất lớn về cường độ và thời gian. Tại sao chúng ta không chuẩn bị cho chúng, hoặc thậm chí là tận dụng các giai đoạn này? Chúng ta có các công cụ cần thiết để tận dụng toàn diện các giai đoạn này!
Bạn có biết rằng nếu bạn đầu tư vào Nasdaq ở vùng đỉnh năm 2000, bạn sẽ chịu mức giảm 84% từ đỉnh và không hòa vốn cho đến tận năm 2015? 15 năm!
Thành tích trong quá khứ không phải chỉ báo cho kết quả trong tương lai
Đây là một ví dụ cực đoan, nhưng đừng nghĩ nó là duy nhất. Các đợt giảm điểm lớn từ đỉnh và các giai đoạn đình trệ là một phần bình thường trong các chu kỳ thị trường.
Kể từ năm 2009, chúng ta đã có một giai đoạn thị trường tăng điểm vĩ đại và đã quen với suy nghĩ chỉ cần mua, mua trong mọi đợt điều chỉnh, bởi hiển nhiên, đó là điều đúng đắn nên làm! Rất nhiều nhà đầu tư đã chủ quan và quen sử dụng thập kỷ trước làm cỡ mẫu duy nhất, và từ đó ngoại suy ra một thị trường sẽ tăng điểm vĩnh viễn. Đáng tiếc, đó không hẳn là cách hoạt động của thị trường.
Những con số gây kinh ngạc đằng sau các đợt giảm điểm từ đỉnh
Bán khống không chỉ là cố gắng kiếm lời khi thị trường giảm điểm, mà trước hết và quan trọng nhất, là không để mất một phần quá lớn lợi nhuận mà bạn đã có được trong thị trường tăng điểm.
Bạn không bao giờ biết đợt điều chỉnh tiếp theo sẽ sâu bao nhiêu. Hầu hết mọi người không nhận ra cái hố mà họ đang đào, khi họ ngoan cố duy trì việc mua nắm giữ trong một thị trường giảm điểm, và ngày một khó khăn hơn để thoát khỏi nó khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Ví dụ: Nếu bạn trải qua một thị trường giảm điểm 50% trong khi đã đầu tư 100% vốn, điều này thật khó khăn, nhưng bạn có thể nghĩ rằng: “Tôi chỉ cần đạt mức lợi nhuận 50% trong một vài năm tới để hòa vốn.” Chà, từ từ đã. Nếu danh mục của bạn giảm từ 1.000$ xuống 500$ và sau đó bạn có lợi nhuận 50%, bạn sẽ trở lại mức 750$, chứ không phải là 1.000$. Bạn đã mất 50%, nhưng giờ đây bạn cần một mức tăng 100% chỉ để quay lại điểm xuất phát của mình. Phép tính này thể hiện tầm quan trọng của việc hành động để bảo vệ danh mục của bạn khỏi các đợt giảm điểm từ đỉnh. Nó sẽ ngày một trở nên tồi tệ hơn khi bạn mất nhiều hơn nữa (chẳng hạn, một mức giảm 75% sẽ cần lợi nhuận 300% để trở lại hòa vốn).
Việc bảo vệ vốn của bạn khỏi các đợt giảm điểm từ đỉnh cũng quan trọng như tăng trưởng cho nó, thậm chí là còn hơn! Nếu bạn bỏ lỡ một số khoản lợi nhuận, bạn luôn có thể chờ một cơ hội khác, nhưng nếu bạn mất tất cả các quân bài của mình thì bạn không thể chơi tiếp.
Tại sao không sử dụng mọi công cụ mà thị trường cung cấp cho bạn?
Các thị trường đều có tính cạnh tranh cao. Thật dễ để quên điều này, bởi mọi người đã quen với việc hưởng mức lợi nhuận tốt mà không phải tốn quá nhiều công sức. Tuy điều này có thể đúng trong một khoảng thời gian nhất định (chủ yếu là trong các đợt thị trường tăng điểm), nếu bạn muốn có lợi nhuận vượt trội một cách ổn định trong một thời gian lâu hơn, bạn không thể làm giống như tất cả những người khác.
Đây không phải là một việc dễ dàng, và mọi người thường rất nỗ lực chỉ để có một lợi thế cực nhỏ. Việc mua và bán khống là hai công cụ cơ bản nhất mà thị trường trao cho chúng ta, vậy nên thật là điên rồ khi ta không cân nhắc việc sử dụng cả hai công cụ chính này.
Vậy thì… bán khống thực chất là gì?
Đó là một thuật ngữ thường được sử dụng với ý nghĩa tiêu cực, bị coi là một hành động rất rủi ro, và thậm chí là ác ý! Chúng ta hãy cùng xem chi tiết.
Giả sử bạn cho rằng giá của Tesla sẽ giảm — làm thế nào bạn có thể hưởng lợi từ việc một tài sản giảm giá? Bạn có thể tìm một ai đó sẵn sàng cho bạn mượn lượng cổ phiếu Tesla của họ. Bạn đồng ý mượn một cổ phiếu Tesla (hiện có giá khoảng 600$) và sẽ trả một khoản lãi suất nhỏ cho tới khi bạn trả lại nó. Chìa khóa là bạn không nợ người cho vay 600$, mà bạn nợ họ một cổ phiếu Tesla. Bạn ngay lập tức bán cổ phiếu Tesla đó trên thị trường và nắm giữ 600$ của mình. Nếu sau đó thị trường chuyển động theo hướng có lợi cho bạn và ở một thời điểm nào sau đó Tesla có giá giao dịch ở mức 300$, bạn sẽ có thể mua lại một cổ phiếu với giá 300$, trả khoản nợ một cổ phiếu Tesla, và vẫn còn thừa 300$!
Dĩ nhiên, tất cả những điều này xảy ra sau hậu trường — tất cả những gì bạn cần làm nếu bạn muốn bán khống là nhấn nút bán! Bây giờ chúng ta đã biết cách thức hoạt động của bán khống, hãy xem chúng ta có thể sử dụng nó như thế nào để xây dựng một chiến lược vượt trội trong thị trường.
Sử dụng một chiến lược kết hợp mua/bán khống để phòng hộ
Không liên quan gì đến đê điều, phòng hộ trong ngữ cảnh này có nghĩa là giảm thiểu độ rủi ro của bạn, bằng cách bắt đầu các vị thế có kỳ vọng mang lại lợi nhuận ngược với danh mục hiện tại của bạn.
Giả sử bạn đang nắm giữ một vị thế TSLA mà bạn muốn giữ trong dài hạn, nhưng bạn cho rằng cổ phiếu này có thể đang quá nóng tại thời điểm hiện tại. Điều bạn có thể làm là bán khống một lượng tiền tương đương một chỉ số hoặc ETF có tương quan cao với TSLA, chẳng hạn như ARKK hoặc NSDQ100. Bằng cách này, nếu bạn bắt đầu mất tiền trên vị thế TSLA của mình, bạn sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận tương ứng từ vị thế bán khống của mình. Mặt khác, nếu Tesla vẫn tiếp tục tăng giá, phần lớn khoản lợi nhuận đó sẽ phải bù cho thua lỗ từ việc bán khống của bạn.
Một phương án khác là tìm một tài sản tương tự dễ nhận biết (trong trường hợp của Tesla thì đó có thể là một công ty xe điện khác, chẳng hạn như Rivian Automotive), và, do đó, được coi là có một hồ sơ rủi ro rất giống nhau. Bằng cách này, khi bạn mua một tài sản này và bán khống tài sản kia, bạn có thể giảm rủi ro của mình gần về 0, bởi lẽ nếu một tài sản tăng giá, tài sản kia cũng có thể tăng một lượng tương ứng và ngược lại. Tuy nhiên, nếu bạn mua vào công ty tốt nhất trong lĩnh vực này (theo ý tôi là Tesla), và bán khống công ty tệ nhất, bạn vẫn sẽ có thể kiếm lợi nhuận mà chỉ chịu rủi ro tối thiểu. Trong ví dụ này, bạn tin rằng Tesla có nhiều khả năng tăng giá hơn Rivian trong một thị trường tăng điểm (và giảm ít hơn trong một thị trường giảm điểm), qua đó cho phép bạn kiếm nhiều tiền hơn trên vị thế mua của mình so với mức thua lỗ trên vị thế bán khống (hoặc ngược lại), trong khi vẫn duy trì một tỷ lệ rủi ro ròng trung bình.
Các chiến lược không phải lúc nào cũng rõ ràng
Tuy một số người ủng hộ một chiến lược chỉ mua vào còn số khác lại thích một chiến lược mua kết hợp bán khống, điều quan trọng cần nhớ là chúng ta đang nói về một danh mục. Bạn có thể mua 100%, phòng hộ 100%, hoặc bán khống 100%, nhưng vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa các vị thế cực đoan này. Nếu bạn cảm thấy thị trường đang quá nóng, hoặc một cổ phiếu cụ thể được định giá quá cao, bạn có thể muốn mở một số vị thế bán khống tương đương với, chẳng hạn, 20% danh mục của mình, trong khi vẫn duy trì mua ở mức 80%. Hoặc có thể các vị thế của bạn chủ yếu là bán khống, nhưng vẫn có một số cổ phiếu riêng lẻ mà bạn muốn duy trì việc mua vào. Có vô số sự kết hợp và chi tiết nhỏ.
Hãy lấy thị trường hiện tại làm ví dụ — bạn có thể bán khống chỉ số khi chúng tiếp tục có xu hướng giảm, đồng thời vẫn duy trì các vị thế mua vào hàng hóa hoặc cổ phiếu quốc phòng & dầu thô. Chiến lược này sẽ giúp phòng hộ cho rất nhiều rủi ro có tính xu hướng của bạn, đồng thời vẫn cho lợi nhuận dương cho cả các vị thế mua và bán khống! Tóm lại, một chiến lược tối ưu là cố gắng thu về lợi nhuận nhiều nhất, bất kể điều kiện thị trường ra sao, trong khi có mức rủi ro thấp nhất có thể.
Một hình thức đa dạng hóa khác
Hãy nghĩ về xu hướng danh mục trong ngữ cảnh đa dạng hóa. Tất cả mọi người đều đã quen với ý niệm truyền thống về đa dạng hóa: đừng đặt tất cả trứng của bạn vào một giỏ! Đây là lời khuyên kinh điển bởi bạn không muốn mạo hiểm tất cả mọi thứ vào một biến số. Nếu toàn bộ danh mục của bạn được đầu tư vào Amazon, nhưng công ty này bắt đầu có kết quả tồi tệ, toàn bộ danh mục của bạn cũng sẽ tồi tệ theo. Đó là lý do bạn nên bao gồm các loại tài sản khác. Nếu một số loại tài sản không có kết quả tốt, nhiều khả năng ít nhất một số tài sản khác sẽ tốt hơn.
Khái niệm tiếp cận rủi ro theo xu hướng cũng tương tự: việc mua nắm giữ 100% là loại hình đầu tư phổ biến nhất, có cảm giác vô cùng không đa dạng theo ý của tôi. Tất cả các vị thế của bạn đều phụ thuộc vào cùng một biến số (ví dụ, thị trường sẽ tiếp tục lành mạnh và tăng điểm) và nhiều khả năng là có tỷ lệ tương quan với nhau cao. Nếu thị trường chịu một tác động lớn và bạn không thực hiện bất kỳ thay đổi nào, bạn có thể phải gánh một khoản lỗ rất lớn. Điều này càng đúng hơn khi thị trường chịu một tác động lớn — khi sự bất ổn tăng cao, cũng như khi tỷ lệ tương quan tăng cao. Điều này là bởi mọi người sẽ hoảng sợ và bắt đầu bán tháo mọi thứ. Trong trường hợp đó, việc có một rổ vị thế mua đa dạng sẽ không có nhiều tác dụng đối với bạn — phương pháp đa dạng hóa duy nhất sẽ có hiệu quả là một số vị thế bán khống!
Bán khống có rủi ro lắm không?
Xét về mặt lý thuyết, một vị thế bán khống nói riêng có tính rủi ro lớn hơn rất nhiều so với một vị thế mua. Có hai lý do chính:
- Xét theo dữ kiện lịch sử, các thị trường luôn có xu hướng tăng điểm, vậy nên khi bạn bán khống, xác suất đang chống lại bạn (trong dài hạn).
- Lợi nhuận tối đa bạn có thể kiếm được khi bán khống là 100% (nếu tài sản bạn đang bán khống giảm xuống 0), còn thua lỗ tối đa của bạn là vô hạn (bởi một tài sản có thể tiếp tục tăng giá đến vô tận, khi xét về mặt lý thuyết).
- Các vị thế bán khống đều là vị thế CFD. CFD là các sản phẩm tài chính phức tạp và có thể mang tính đầu cơ. CFD có thể không phù hợp cho mọi nhà đầu tư, và bạn sẽ không sở hữu tài sản cơ sở. Bạn có thể mất tất cả khoản đầu tư của mình trong các khoảng thời gian thị trường biến động mạnh
Nhưng chờ chút — mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Tuy rằng có rủi ro khi bạn chỉ nắm giữ các vị thế bán khống, việc bán khống trong một danh mục cân bằng sẽ có thể giảm một phần rủi ro cho bạn. Hãy nghĩ về điều đó — khi bạn chỉ mua vào, bạn liên tục phải chịu rủi ro khi giá cổ phiếu lao dốc. Không ai có thể đoán khi nào thì một thị trường giảm điểm tồi tệ sẽ xuất hiện, vậy nên bạn luôn phải chịu nguy cơ giảm điểm đáng kể từ đỉnh. Mặt khác, nếu bạn có một tổ hợp các vị thế mua và bán khống, bạn sẽ có thể giảm nhẹ một phần tác động.
Kết luận
Tuy việc bổ sung các vị thế bán khống vào danh mục có thể bị coi là phức tạp hoặc rủi ro, nó có thể là một cách tuyệt vời để giảm rủi ro tổng quát cho danh mục của bạn, và bảo vệ bạn khi thị trường có xu hướng giảm.
Việc bao gồm một số vị thế phòng hộ hoặc thậm chí là bán khống trong danh mục sẽ cần kỹ năng, sự phán đoán và khả năng định thời. Đối với những người có một tầm nhìn lâu dài, và muốn tiếp tục đầu tư một cách đơn giản và thụ động nhất có thể, việc có một danh mục chỉ mua lâu dài là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng nếu bạn đang cố gắng đánh bại thị trường một cách ổn định, kể cả trong các đợt tăng và giảm điểm, bạn sẽ cần sử dụng một chiến lược chủ động hơn và bao gồm cả các vị thế bán khống.
Mua và bán là hai công cụ chính mà thị trường trao cho chúng ta, vậy nên việc chỉ sử dụng một trong hai công cụ sẽ khiến bạn bỏ lỡ tiềm năng của mình, theo ý kiến của tôi.
Tuyên bố miễn trách nhiệm cho Úc: eToro AUS Capital Limited ACN 612 791 803 AFSL 491139. Các sản phẩm phái sinh OTC là các công cụ tài chính có đòn bẩy và được coi là có tính đầu cơ. Các sản phẩm phái sinh OTC có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Bạn không sở hữu các tài sản cơ sở. Bạn có thể mất toàn bộ khoản đầu tư của mình. Thông tin này chỉ có tính chất thông báo chung và đã được chuẩn bị mà không suy xét đến các mục tiêu, tình hình tài chính hoặc nhu cầu riêng của bạn. Xem xét Báo cáo công bố sản phẩm và Xác định thị trường mục tiêu (PDS và TMD) của chúng tôi. Xem toàn bộ tuyên bố miễn trừ trách nhiệm